Quý 3 Gạo Trung An (TAR) lãi cao kỷ lục trong khi Lộc Trời, Vinaseed, Angimex lãi sụt giảm

Các doanh nghiệp ngành gạo chủ yếu có nhà máy đặt ở các tỉnh phía Nam và nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Theo đó trong quý 3, Lộc Trời (LTG) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.992 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng, chi phí lãi vay và chi phí vận hành đều tăng khiến lãi ròng của LTG giảm 65% so với cùng kỳ, còn gần 32 tỷ đồng.

Vinaseed (NSC) mặc dù có doanh thu quý 3/2021 tăng 36%, song giá vốn tăng cao nên công ty ghi nhận lãi trước thuế 35,8 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý 2/2021, doanh thu quý 3/2021 của Vinaseed giảm 24% còn lợi nhuận trước thuế giảm gần 51%.

Trong quý 3 doanh thu thuần của Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) đạt 1.297 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid và chi phí vận chuyển, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt gần 4 tỷ đồng giảm 53% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý nhất trong nhóm này là Gạo Trung An (TAR), mặc dù cũng gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng TAR vẫn đẩy mạnh xuất khẩu gạo khi trúng các gói thầu xuất khẩu sang Hàn Quốc. 

Trong quý 3 Gạo Trung An (TAR) ghi nhận doanh thu thuần tăng 35% lên 726 tỷ đồng trong quý 3. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 34 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của Gạo Trung An.

Bức tranh 9 tháng ngược chiều tăng, giảm

Bức tranh 9 tháng của các doanh nghiệp này cũng ngược chiều, trong khi Lộc Trời đạt hơn 7.114 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 79% so cùng kỳ chủ yếu do doanh thu từ thuốc bảo vệ thực vật và mảng lương thực. Tuy nhiên, giá vốn và chi phí đều tăng cao nên lợi nhuận ròng của LTG chỉ tăng 29%, đạt gần 261 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, NSC có doanh thu thuần đạt 1.182 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận đạt 147 tỷ đồng tăng 5,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý mới đây, HĐQT Vinaseed đã thông qua kế hoạch kinh doanh quý 4 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh so với quý 3, LNTT dự kiến đạt gần 99 tỷ đồng.

Trong khi đó mặc dù có KQKD tốt trong quý 3 nhưng 9 tháng, TAR báo doanh thu giảm 7% xuống 1.955 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 35% xuống 51 tỷ đồng do chi phí bán hàng tăng cao. Tương tự Angimex cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 17,8 tỷ, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận doanh nghiệp gạo gặp khó, giá cổ phiếu vẫn tăng tốt trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Previous post DIC Corp hút thêm 1.500 tỷ trái phiếu để rót vào dự án tại Đồng Nai, đảm bảo bằng cổ phiếu DIG
Next post Cổ phiếu LPB tăng giá mạnh nhất nhóm ngân hàng, khối ngoại tiếp tục gom STB